Trong xa cách, tình yêu ví như ngọn lửa trong gió. Gió sẽ thổi tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng thành đám cháy lớn.

17 thg 12, 2010

Tiền và lá


TIỀN VÀ LÁ

Tuổi thơ tóc để gáo dừa
Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong
Hai ta cùng học vỡ lòng
Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh

Hai nhà chung một mái tranh
Chia vui từng trái ngọt lành có nhau
Đêm cùng đón ánh trăng cao
Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời

Em moi đất nặn hình người
Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền
Mỗi ngày chợ họp mười phiên
Em ngồi mang bán lấy tiền lá rơi

Tiền là giấy bạc em ơi
Tiền là giấy bạc của đời làm ra
Người ta giấy bạc đầy nhà
Cho nên mới được gọi là chồng em!

Bây giờ mỗi buổi chiều lên
Tôi gom lá đốt, khói lên ngút giời...
Người mua đã bị mua rồi
Chợ đời ngồi họp, mình tôi mua gì?

Nguyễn Bính

Ai trong đời ít nhất cũng một lần ngây ngất men say tình yêu. Bởi thế mà nhân loại đã sinh ra những nhà thơ sở trường làm thơ tình. Nhưng tình yêu dẫu có là niềm say mê nhất thì nó vẫn phải chịu sự chi phối phiền toái của nhân sinh, của cuộc đời. Thơ tình thuần túy chỉ riêng nói về tình yêu. Không gian nghệ thuật của loại thơ này thường thiên về hướng nội hơn là hướng ngoại. Có một thứ thơ tình khác không thiên về biểu hiện các sắc thái tình yêu mà mượn tình yêu để nói đến chuyện đời, đến nhân tình thế thái.

Bài thơ “Tiền và lá” của Nguyễn Bính (được phát hiện và được đăng trong một số báo Nhân Dân chủ nhật) thuộc về thứ thơ tình thứ hai đó đã làm cho người đọc sửng sốt không phải bởi câu chữ tân kỳ mà bởi cách nhìn nghiệt ngã về hiện thực.

Xin được mở ngoặc để nói thêm ở đây rằng, nhà thơ - soạn giả kịch bản cải lương Kiên Giang cũng có một bài thơ mang tên “Tiền và lá” làm năm 1948. Giữa Kiên Giang và Nguyễn Bính đã nảy sinh một tình bạn thơ thân thiết vào những năm cuối của thập niên 40 và theo Kiên Giang, bài thơ “Tiền và lá” của Kiên Giang đã được Nguyễn Bính sửa cho vài chữ (“Thi sĩ Nguyễn Bính trong hồi ức của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang”, Túc Hạnh ghi lại - Báo điện tử VietNamNet, ngày 16-12-2003). Đối chiếu giữa hai bài “Tiền và lá”, một gắn với tên tuổi Nguyễn Bính, một gắn với Kiên Giang dễ thấy rằng, hai bài thơ có cùng chung tứ thơ và nhiều câu thơ na ná giống nhau, nhưng bài “Tiền và lá” gắn với Nguyễn Bính có số câu ít hơn (20 câu), trau chuốt hơn, còn bài “Tiền và lá” gắn với Kiên Giang có số câu nhiều hơn (24 câu) và ít trau chuốt hơn. Trong khi chờ đợi ý kiến của các bậc thức giả, các nhà văn bản học lý giải vì sao có hai bài thơ “Tiền và lá” gắn với hai tác giả như vậy, trong phạm vi bài bình này, chúng tôi xin được sử dụng văn bản “Tiền và lá” được các sách báo cho là của Nguyễn Bính (Cuốn chuyên luận “Nguyễn Bính, thi sĩ của đồng quê” của giáo sư Hà Minh Đức, NXB Văn học, 2002, phần tuyển chọn thơ Nguyễn Bính đã in bài thơ “Tiền và lá” ở trang 211).

Bài thơ “Tiền và lá” không viết về tình yêu bột phát kiểu “tiếng sét”. Tình yêu ở đây được chuẩn bị tiệm tiến từ tình bạn tuổi ấu thơ. Nhà thơ dựng dậy tuổi thơ đến từng chi tiết tế vi nhất như người họa sĩ tỉ mẩn đến từng góc cạnh của đường nét bức tranh:

Tuổi thơ tóc để gáo dừa
Tuổi thơ mẹ bắt đeo bùa cần ong

Nhưng đây là tuổi thơ kỳ thú của riêng cậu bé, cô bé mà người đời ít ai có trong những ngày nguyên đán của tuổi đời:

Hai ta cùng học vỡ lòng
Dắt tay nhau giữa cánh đồng cỏ xanh
Hai nhà chung một mái tranh
Chia vui từng trái ngọt lành có nhau

Ở cái tuổi vô tư, trong trắng này, không bị trói buộc bởi tảo hôn nên họ được tảo... yêu nhau, nói khác đi, yêu sớm. Họ chưa hiểu hết ý nghĩa chữ yêu như người lớn, nhưng ai dám chắc họ không biết yêu khi đã biết hướng vọng đến trăng sao:

Đêm cùng ngắm ánh trăng cao
Ngồi bên giếng ngọc đếm sao trên trời

Yêu quá mất rồi! Tản Đà chẳng đã từng thú nhận mình là “nòi tình”, bệnh đa tình phát khởi từ thuở lên năm đó sao? Sao có thể tin ở Tản Đà, mà lại cho những việc làm của cô bé, cậu bé này chỉ là chuyện trẻ con:

Em moi đất nặn hình người
Anh thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền
Mỗi ngày chợ họp mười phiên
Em ngồi mang bán lấy tiền lá rơi

Bài thơ diễn tả tình yêu mà không hề nói đến tiếng “yêu”, đấy là điểm đặc sắc. Lý do không dùng từ “yêu” ở đây chắc chắn không phải vì nhà thơ tránh sống sượng với đối tượng mới lớn. Lý do ở đây không gì khác ngoài cách làm duyên nghệ thuật của nhà thơ để biểu đạt “ăn ý” với tiếng lòng thầm kín của đôi lứa.

Bài thơ không dừng lâu trong dòng cảm xúc về tuổi thơ. Hai tiếng “giấy bạc” vọng lên thảng thốt ba lần trong mấy câu tiếp như tín hiệu cảnh giới một tai họa nhãn tiền:

Tiền là giấy bạc em ơi
Tiền là giấy bạc của đời làm ra
Người ta giấy bạc đầy nhà
Cho nên mới được gọi là chồng em

Dứt tiếng “giấy bạc” lặp lại lần ba, dòng cảm xúc về tuổi thơ đến đây bị đoản mạch bằng câu thơ: “Cho nên mới được gọi là chồng em”. Mấy từ “mới được gọi” vang lên trang trọng có vẻ tưởng tôn lên giá trị người con gái, nhưng thực ra đã bóc trần sâu sắc cảnh tình đời “trượt giá”. Đây là lối nói ngược rất thần tình, thâm thuý, sâu cay. Câu thơ mang một chất giọng chua chát này nằm ở vị thế độc đáo trong toàn bài. Nó đóng và mở hai trạng thái tâm lý nối tiếp đối nghịch nhau được diễn tả trong bài thơ: yêu và hận, vui tươi và chua xót. Nó là điểm đột phá để không gian nghệ thuật bài thơ chuyển từ hướng nội (nhà thơ ôn lại kỷ niệm bằng phương thức trần thuật ở ngôi thứ hai: Anh, em) sang hướng ngoại (nhà thơ nói với cuộc đời bằng chính ngôn ngữ tác giả ở ngôi thứ nhất: Tôi).

Tôi có cô bạn gái vốn yêu thơ Nguyễn Bính. Được tôi đọc cho nghe “Tiền và lá”, cô bạn gái tâm sự: “Nghe bài thơ Nguyễn Bính mới được phát hiện này, em sửng sốt tự phản tỉnh về cách nghĩ, cách sống của mình thời gian qua, thậm chí em sửng sốt tự vấn có lúc nào mình đã quên sống đúng nghĩa với danh dự mình mang chưa? Hay là mình đã bán danh đi cho cái chợ đời nọ trong thơ Nguyễn Bính:

Người mua đã bị mua rồi
Chợ đời ngồi họp mình tôi mua gì?

Đọc “Tiền và lá” để tự tẩy rửa tâm hồn mình trên hành trình vươn tới chân, thiện, mỹ, lấy lại những gì đã lỡ đánh mất, đã “trượt giá”, tưởng không phải chỉ là cái thú văn chương mà thôi.


Nguyễn Hoàn
(Nguồn: Văn nghệ Sông Cửu Long)
       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét